Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

Mùa Xuân trên đảo Lý Sơn

Mùa Xuân trên đảo Lý Sơn



ly-son-305.jpg
Bình minh trên biển Lý Sơn.
RFA
“Bình thường mà được nhất là một người đi biển thu nhập được khoảng 40-50 triệu một tháng. Như đứa bạn em đi biển một tháng về mua được chiếc Exeter luôn đó. Nhưng lỡ bị bắt thì mất hết luôn, về lại vay tiền nhà nước lại đóng lại tàu khác. Như thuyền trưởng Mai Phụng Lưu đó, mấy lần bị Trung Quốc bắt và lấy hết tài sản luôn, biệt danh là con sói biển Lý Sơn.”
Những ai từng đến đảo Lý Sơn, có lẽ khó mà quên được mùi hương của biển mặn quyện với mùi lá hành, lá tỏi non trong gió ngào ngạt thơm, một mùi thơm rất riêng mà chỉ ở đảo Lý Sơn mới có thể có được. Mùa Xuân về, mùi hương của đảo càng thêm nồng nàn, cái cảm giác nồng nàn này chỉ có được đối với những khách phương xa từng theo dõi đời sống khốn khó, đầy sóng gió của người dân Lý Sơn bao nhiêu năm nay. Với người dân Lý Sơn, mùa xuân Giáp Ngọ là một mùa Xuân mà mọi cay đắng đang chờ đón họ.

Mùa bội thu nhưng vẫn thua lỗ

Theo dòng lịch sử, đời sống người Việt trên đảo Lý Sơn bắt đầu từ những năm nửa đầu của thế kỷ 17 bởi những người lính tiền tiêu canh giữ biển đảo đất Việt. Dưới thời nhà Nguyễn, hằng năm có những đoàn binh giong buồm ra khơi, còn gọi là hải đội Hoàng Sa, xuất phát từ Lý Sơn thẳng tiến về Hoàng Sa để giữ đảo quê hương. Và đã có nhiều đoàn binh ra đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại.
Con cháu của những binh sĩ trên các hải đội này sống ở Lý Sơn để chờ đợi họ quay về, nhưng chờ mãi từ thế hệ này sang thế hệ khác, sinh con đẻ cháu mà các chiến binh vẫn bặt vô âm tín. Tưởng nhớ những người thân, tổ tiên ra đi không bao giờ trở lại, người dân Lý Sơn dùng đất sét nặn ra những hình nhân, làm lễ cúng vái và chôn xuống bờ biển, đắp thành những mộ gió mà họ tin rằng linh hồn của cha ông sẽ nương náu vào mộ gió để nhận hương khói và sự biết ơn của con cháu.
Từ bao đời nay, cứ mỗi dịp Xuân về, người dân Lý Sơn lại rủ nhau làm lễ cúng bái, khói hương những ngôi mộ gió để tưởng nhớ công lao cha ông đã ngã xuống bảo vệ biển đảo. Về sau này, có thêm những ngôi mộ gió của người thân đắp cho những người đánh cá ngoài khơi bị bão biển, bị tàu của kẻ xâm lăng đâm chìm. Những ngôi mộ gió càng ngày càng nhiều hơn, sự mất mát người thân càng trở nên quen thuộc đối với cư dân Lý Sơn.
ly-son-250.jpg
Ngư dân Lý Sơn chuẩn bị hành lý cho những ngày ra khơi. RFA PHOTO.
Thuyền trưởng Lê Tân, người Lý Sơn kể về những chuyến đi biển, bị Trung Quốc bắt người, cướp bóc tài sản của ông: “Nói sao giờ, giờ chạy thôi chứ sao. Kinh, tui kinh quá, nó bắt nó đánh. Khu Đá Bạc nó kinh lắm, nó bắt lên trước hết nó đánh cái đã. Tui kinh bao nhiêu đó thôi. Tui không nộp nhưng sau mấy chuyến đó, thôi tui nộp, rồi bước lên thôi.”
Theo một thuyền viên khác yêu cầu giấu tên, kể từ tết Giáp Ngọ đến nay, có nhiều chuyến đánh cá của ngư dân Lý Sơn thành  công nhưng lại thất bại. Thành công là được nhiều cá, thậm chí có người bị chìm tàu vì trúng mẻ lưới quá nặng. Thế nhưng tính ra, khoảng tiền lãi lại không bằng trước đây.
Giải thích cho vấn đề vừa nêu, ông này cho biết thêm là hiện tại, vì quá cô đơn giữa biển, không có mạng lưới an ninh bảo vệ cho ngư dân Việt Nam, mỗi khi bị bắt tàu chỉ có hai đường, một là bị đánh tả tơi, bị bắt nhốt, bị cướp sạch tài sản, hai là sống mái và bỏ mạng dưới họng súng người Trung Quốc. Chính vì gặp quá nhiều khó khăn, nhiều ngư dân đã âm thầm mua vé thông hành của nhà cầm quyền Trung Quốc để yên thân.
Ông này nói rằng việc mua giấy thông hành sẽ giúp ngư dân Lý Sơn an toàn trong lúc đánh bắt, và đây cũng là bài học an toàn cho bản thân mà ngư dân Lý Sơn đã học được của ngư dân Quảng Nam. Vẫn biết rằng mua vé thông hành của nhà nước Cộng sản Trung Quốc là không tốt, không thể hiện tinh thần độc lập, chủ quyền của một công dân nước Việt, nhưng ngư dân không còn lựa chọn nào khác.
Giải thích thêm, người đàn ông này nói rằng mọi chính sách hỗ trợ của chính phủ đối với ngư dân Lý Sơn rất tốt, mọi ưu tiên từ vay vốn lãi suất rất thấp cho đến hỗ trợ vốn không hoàn lại đều có. Thế nhưng mọi ưu tiên này chỉ đủ để kích thích cho ngư dân ra khơi, vấn đề còn lại, đó là sự an toàn mạng sống giữa biển khơi, hầu như hoàn toàn không có.
Thử hỏi, vay vốn, đóng tàu, tốn biết bao mồ hôi, công phu để rồi ra khơi, vừa đánh bạc với sóng gió lại vừa thí xác cho tàu hải giám Trung Quốc, đến khi mất trắng quay về đầy thương tích, nợ nần… Ngư dân không được gì cả ngoài sự mất mát và làm những cái cọc tiền tiêu sống cho Trung Quốc bắt, để có cái cớ mà nhà nước lên đài phản đối suông vài ba câu lặp đi lặp lại.

Bài toán khó

ly-son-2-250.jpg
Ruộng tỏi trên đảo Lý Sơn. RFA PHOTO.
Một ngư dân khác, cũng yêu cầu giấu tên, bộc bạch với chúng tôi rằng hiện tại, ngư dân Lý Sơn đang rơi vào hoàn cảnh thật sự khổ tâm vì phải đối diện một bài toán khó, đó là gia đình, sự sống hay tính dân tộc hình thức. Ông này nói rằng ông đưa ra bài toán này là hoàn toàn có cơ sở của nó.
Vì đã nhiều năm nay, ngư dân Lý Sơn khi ra khơi chỉ gặp đúng một tình trạng khi bị Trung Quốc bắt là mất trắng mọi thứ, sau đó về đất liền, lại chạy vay chạy mướn để đóng tàu, để gở vốn. Không ít ngư dân rơi vào nợ nần, mất trắng vì tình trạng này. Mặc dù người Lý Sơn vẫn biết, vẫn hiểu rằng mình phải nối gót cha ông để bảo vệ biên cương, biển đảo. Thế nhưng lấy gì để bảo vệ ngoài hai bàn tay trắng bốn bàn tay không?
Làm sao dám nói là quyết tâm bảo vệ đất nước khi trong tay không có thứ vũ khí nào mà phải đối diện với những kẻ ngoại xâm trang bị vũ khí tối tân? Làm sao mà giữ vững khí tiết yêu nước trong khi nhà nước, kẻ có trách nhiệm trọng yếu bảo vệ tổ quốc lại phản đối suông khi bà con ngư dân bị bắt và chính ngư dân lại đứng mũi chịu sào mọi khó khăn chỉ vì chén cơm manh áo? Chính vì thế, ngư dân chỉ còn giải quyết một câu hỏi duy nhất: Sống để nuôi vợ con hay là chết?
Cuối cùng, ngư dân buộc lòng phải mua tấm vé thông hành để đảm bảo mạng sống, để có cái mà nuôi vợ con và để duy trì sự sống, duy trì ước mơ nối gót cha ông bảo vệ biên cương tổ quốc. Bởi hiện tại, nếu không có vé thông hành, ra khơi, không bị mất mạng thì cũng bị mất trắng tài sản, lấy gì nuôi con, lấy ai mà ước mơ độc lập dân tộc, độc lập biển đảo.
Nói thì nghe hơi buồn, ngư dân Lý Sơn đã thỏa hiệp với tấm vé thông hành. Nhưng nghe kĩ những suy tư của họ, mới hiểu rằng sự sống đáng quí biết nhường nào, và trong một điều kiện mà mạng sống không đảm bảo, thậm chí bị lợi dụng để làm con tốt chính trị, tốt nhất phải bảo vệ mạng sống và tiếp tục đấu tranh chống ngoại xâm bằng cách khác để thoát khỏi tình trạng nướng mạng trên bàn cờ của kẻ giả dối!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Nguồn:  http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/spring-in-ly-son-island-03132014130818.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét